Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Vì sao tôi viết

 

Cuộc sống mà con người tự đặt ra có nhiều dạng quy tắc khác nhau, ở trong viết, tự nó tạo ra những điều tương tự như vậy, nên tôi đi theo. Mô phổng thế giới, gói ghém quá khứ, vẽ ra tương lai, viết cho tôi cơ hội để thực hiện mọi điều tôi muốn. 

Tôi biết mình phải viết, nên viết, cần viết khi mà điều này đến thật tự nhiên trên từng nhịp thở. Câu chữ ùa ra, chực sẵn nơi đầu những ngón tay (ấy là gõ trên máy tính).

Thực hành viết là cách tạo kỷ luật cho bản thân. Đúng giờ, viết. Ngồi vào bàn, viết. Hoặc đôi khi, câu chữ chạy liên hồi trong đầu, không ngừng tuôn ra như suối, không thể nào dừng suy nghĩ lại. Nếu không viết ra lúc này, chúng sẽ trở lại, nhưng không còn tròn đầy và nguyên vẹn nữa. Một điều gì đó đã mất đi rồi.

Nếu nhìn thấy một khung cảnh, theo cá nhân là đáng nhớ, làm sao để lưu giữ lại nó. Chụp ảnh. Vẽ tranh. Viết. Dùng ngôn ngữ, đưa những cá nhân khác nhau đứng trước khung cảnh đó, như ta, lúc này. Để mỗi người được chìm đắm trong niềm say mê, vui sướng và hân hoan đó. Để cái đẹp, trong niềm riêng của mỗi người, được vẹn toàn ôm ấp họ. Tôi nghĩ những điều do một người viết ra, dù mang tính cá nhân hóa, vẫn xứng đáng được sẻ chia, trong một tầng mức nào đấy. Những nỗi niềm gặp nhau, trong thinh lặng do con chữ dệt nên.

Viết đan bện với những điều khác biệt trong đời. Mọi thứ như hòa vào nhau, lúc chặt lúc lỏng, lúc mềm mại, lúc khô cứng. Chính những điều đó làm người viết và người đọc không thôi ngạc nhiên. Nếu viết về một ngày chủ nhật thảnh thơi, có ít nhất hai con người thấy mình trong đó. Người viết và người đọc. Nếu viết về một ngày khó quên, đâu đó lại có người thuộc về những chữ này. Không ai thật sự cảm thấy cô độc khi ở trên những tranh viết. Chúng xoa dịu và mở ra những điều mới. Ngay cả khi người đọc đang đọc những cuộc đời bất hạnh, những giống tố của cuộc sống đang bủa vây họ ngoài thực tế thì trang viết cũng đang cho họ thêm một cơ hội sống khác. Cứu rỗi.

Với một cá nhân thực hành viết, ít nhiều sẽ nhận được những giá trị nhất định. Nhẫn nại, kiên trì và chú tâm. Không ai có thể ngừng tập trung, dừng lại, tập trung, lại dừng, cần một nhịp điệu bền bỉ và gắn chặt. Không ai hối thúc nhưng cũng không ai trì hoãn lại một tiến trình đang diễn ra bên trong chính mình. Tự bản thân người viết được trao cơ hội nỗ lực và bền bỉ đi theo.

Có nhiều điều tôi muốn bản thân cố gắng đối diện tring khi viết, vì khi đó tôi có thể, thật sự, yêu thương chính mình và những người mà tôi kính trọng.

trên một hòn đảo ngoài xa thuộc địa phận Campuchia


 

 

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Trà & Lối Sống

 Uống trà là một sự chọn lựa, như lối sống mà ta chọn trở thành vậy. 

Tôi xin phép mạo mụi giới thiệu vài quyển sách về trà và lối sống, những điều con người ta có thể chọn đồng hành. 


Hương Trà - Đỗ Trọng Huề

Hương Trà có thể tạm chia thành hai phần chính, Trà, ở phần đầu, và Câu chuyện con người, ở phần sau. Với trà, tác giả đã trình bảy một chương hoàn chỉnh về trà Đông-phương gồm lược sử và ý nghĩa. Lối dẫn dắt ở phần này cụ thể, rõ ràng, đọc rất cuốn, gây tò mò và mở mang cho người đọc về dòng thời gian cổ xưa của trà. Ý nghĩa của trà trong đời sống của con người cũng là một phần không nhỏ trong chương này. Chương kế tiếp dành cho cuộc chinh phục Tây-phương của trà, tại chương này sẽ giúp ta hiểu hơn hành trình du nhập đến với con người xứ lạnh. Họ đã nghiên cứu, tính toán hàm lượng các chất trong trà và công bố thành những công trinh nghiên cứu khoa học ra sao.

Phần sau của sách là lịch sử của người Việt chúng ta, từ truy tìm nguồn gốc ở các vị Vua Hùng đến bàn về phương pháp học tập. 



Sách xuất bản năm 1964, có những điều xa lạ và không còn đến ngày nay, chưa kể, lối văn và dùng từ của tác giả có nhiều khác biệt, có thể gây lúng túng cho người đọc. Tuy vậy, tôi rất thích những điều tác giả dày công viết ra, vì ngoài kiến thức được tổng hợp ghi chú từ nhiều nguồn, gồm cả thơ văn liên quan đến trà, các bài nghiên cứu của nước ngoài, nhãn hiệu trà nổi tiếng do người Việt ta sản xuất mua bán, vô vàn thứ. Chính những điều đó đã thấy mức độ quan trọng của trà trong đời sống con người từ thời cổ xưa, trong nếp ăn, nếp nghĩ, tạo sức ảnh hưởng đến cả những nơi "được cho là văn minh hơn" vào thời bấy giờ. 

Một quyển sách đáng để đọc và tham khảo. 

Trà Kinh - Lục Vũ

Đây có lẽ là quyển sách được nhắc đến rất nhiều trong công cuộc phát triển về trà, hệt như một viên gạch đầu tiên mà con người đặt lên để từ đó xây thêm những điều vững chãi và lâu bền hơn. Lục Vũ là nhân vật, mà đối với người tìm hiểu về trà, dù mới bước vào hay đã/đang đi được một chặng dài/ngắn đều biết đến. Họ kính trọng ông như là tổ sư của Trà và Trà Kinh là tổng hợp những gì sơ khởi nhất mà người thực hành uống trà nên biết đến. 

Phần chính văn Trà Kinh có ba quyển, thượng, trung, hạ, cung cấp cho người đọc khái niệm tổng quát và thực hành uống trà như thế nào. Những điều Lục Vũ đã ghi lại, đầy đủ, gọn gàng và cho ta hiểu hơn về ý nghĩa sự góp mặt của từng thức trong trà. 

Ngoài ra, phần còn lại của sách là phụ lục về hành trình của trà từ đông đến tây, trà trong một số thời hưng thịnh của Trung Quốc và cuộc đời của ông tổ Trà. 

Sách có những điều hay từ xa xưa mà chúng ta ngày nay nên học hỏi.

Trà Kinh - Vũ Thế Ngọc

Thêm một quyển sách tổng hợp từ xưa đến này về lịch sử của trà, con đường của tác giả khi đọc về sách trà của các danh trà khác. Kế đến, người đọc lại có dịp biết nhiều hơn về trà cụ, các danh trà khác, câu chuyện trà Việt và sau cùng là hướng dẫn thực hành dành cho trà sinh

Sách viết gần gũi và cởi mở. Đưa chúng ta đi sang Tây, về Đông, ngược quá khứ, rồi sống trong hiện tại. 

Sách dẫn chúng ta đi đến con đường thực hành uống trà.

Trà Đạo (The book of Tea) -   Okakura Kakuzo

Đây là một tiểu luận về trà và được in thành sách. Không thiên về lịch sử, kỹ thuật làm trà, dệt hương, hay uống trà, tựu chung lại chỉ là chén trà. 

"Trà Đạo là nghệ thuật che giấu cái đẹp mà người ta có thể khám phá ra được và gợi ra những điều mà tự mình không dám tiết lộ. Nó là cái pháp ảo diệu cao quý tự cười mình, tuy bình tĩnh nhưng rất đáo để và cũng vì thế mà nó chính là “u mặc” cái cười của triết học…"

Một người thực hành uống trà không đơn thuần chỉ là uống và trò chuyện, đó là quá trình tận hưởng, quan sát chung quanh và chính mình. 

Một quyển sách gợi nhắc nhiều điều cho con người. Hãy thử thưởng thức trà mà không chỉ là trà xem.

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Bước vào uống trà


Xin phép được trình bày rằngng, tôi chỉ là một người mới tập tễnh vào con đường uống trà và sống ở miền Tây Nam bộ, nên trải nghiệm này hoàn toàn xuất phát tự nhiên và không khua khuấy gì thêm. Nếu có gì khác biệt mong mọi người thông cảm và lượng thứ.



1. Ngày còn bé gia đình tôi sống phía sau cơ quan làm việc của cha. Nghĩa là chỉ cần bước qua cánh cửa sẽ đến phòng tiếp dân hay phòng họp. Phòng này luôn có một cái bàn hình bầu dục, ở giữa đặt bình hoa, và có chiếc mâm đặt ấm tách cùng một hộp trà, thêm cả một cái bình thủy đặt dưới gầm bàn. Mỗi buổi sáng cha tôi sẽ nấu nước sôi đổ vào bình thủy, cho trà vào ấm sẵn, đến khi nào có nhân viên khác đến mới châm nước vào ấm. Tôi thường thấy hình ảnh các chú ngồi quanh bàn và nhấm nháp tách trà buổi sớm.
Đó là những khái niệm đơn sơ ban đầu của tôi về việc uống trà. Chỉ cần nước sôi và hộp trà.
2. Mỗi lần nhà cúng gì cũng có ba thức nước, nước trà, nước lọc và rượu. Tôi không biết vì sao, nhưng luôn được “phái” đi mua vài nghìn rượu trắng, rót nước lọc và pha ấm trà, mỗi thứ rót vào một li nhỏ, đặt giữa là lon gạo đã đông đầy, dùng cắm nhang. Sau khi cúng xong thì đem đổ các thứ nước ra sân, hoặc vào gốc cây.
Đây là khái niệm thứ hai của tôi về trà, để cúng.
3. Vào dịp trăng tròn tháng 8 hằng năm, tôi có sở thích cùng bạn bè ăn bánh trung thu và uống nước trà. Tụ tập nhà đứa nào đó, bày bàn ra, cắt một chiếc bánh trung thu vừa phải, châm bình trà, để sẵn bình thủy kế bên. Vừa tám chuyện rước đèn năm nay thế nào, vừa ăn bánh và uống nước trà. Gọi là nước trà vì ấm hết thì châm nước vào uống tiếp, chủ yếu là không khí vui vẻ chứ không câu nệ gì mấy. Trừ phi nhạt quá thì thêm trà hoặc đắng quá sẽ rót nhanh hơn. Ngoài dịp tự tổ chức này ra, tôi cũng hay đi ăn đám cưới nhà này nhà nọ, trước khi vào mâm chính, cũng được mời ăn bánh trái và uống nước trà. Những chỗ này người ta thường pha đậm lắm, mà uống cũng vui vui vì có nhiều bánh ngọt. Cái nghĩa “đậm lắm” là do thói quen các cô chú bác hay dùng, uống vào đăng đắng hoặc màu như “đen”. Tôi thì “nước trà” kiểu nào cũng uống được, cười xớ lớ uống tất. Chỉ trừ trà nguội ngắt thì tôi thường dồn lại một li nhỏ và đổ ở gốc cây.
Nhờ các dịp khác nhau nên có thể thưởng thức đa dạng cách uống trà, tôi thấy những điều này thật phong phú và đa dạng, làm đời sống văn hóa tinh thần càng thêm phần sống động.
4. Mãi sau này có dịp ra Bắc ra Trung chơi, tôi mới biết đến chè xanh và cách uống độc đáo của người dân nơi đây. Tôi khoái nhất là chè xanh vò, uống ở Quảng Trị. Cảm tưởng như một món quà tinh khôi, thanh sạch nhất từ trước đến giờ từng được thưởng thức. Mà họ uống cũng đơn giản lắm. Tôi đến nhà bạn chơi, xung quanh nhà trồng mấy cây chè cao hơn đầu người. Ba mẹ bạn hái sẵn lá chè từ mấy cây đó và để trong bình, có ai đến, ngồi vào bàn là rót ra cái li cao vừa phải, mời uống. Trước giờ tôi chỉ biết mỗi trà trong hộp, khô, xoắn, gần như đen, còn lá này thì tươi nguyên, uống vào thấy thanh mát, ấm áp và cởi mở cả cõi lòng. Dạo ấy, mỗi sáng thức dậy đều có sẵn bình trà như thế, cứ rót ra là uống, tôi còn rót đầy cả bình nước uống mang theo, để đi chơi có thức ngon mà uống, hê hê.
Một dịp khác tôi uống trà kiểu Bắc, đúng là mở cả mắt ra. Kể từ đây tôi mới biết, tống, quân, nhiệt độ nước và các dụng cụ khác. Theo tôi là kì công mà cũng đáng sức. Tôi thấy lí thú khi được uống trà theo kiểu này, người pha trà và người uống trà đều trân trọng từng thao tác, hớp nước và các chi tiết nhỏ khác.
Mỗi lần trải nghiệm các kiểu thức khác nhau của việc dùng trà đều làm tôi thích thú khôn tả. Đây là chút ít ghi nhận trên hành trình bước vào uống trà của tôi, mong rằng sau này sẽ có thể mở rộng được thêm và chia sẻ cùng mọi người.

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Trích đoạn

 

Văn học phải nhìn thấy những cánh rừng

báo dịch trên tuổi trẻ cuối tuần

Văn học phản ứng bằng cách nó nhìn sự việc từ độ cao của chim bay và thấy con đường. Nó cất cao trên cánh rừng, trong khi nhóm những người lao động, trong đó có cả những nhà chính luận, đang ở trong cánh rừng. Họ viết rằng có rất nhiều cây cối, các tổ kiến, không thấy con đường, chỉ có một lối mòn nhỏ nào đó. Nhưng có một người nào đó, có thể cất cao lên trên ngọn núi và thấy lối mòn nhỏ đó dần lớn hơn và dẫn tới, chẳng hạn như, đường xe lửa.
Nhưng ít ra đó là tầm nhìn về tương lai, và đấy là công việc của văn học. Nếu văn học chỉ đề cập đến những cái cây, chúng sẽ không thấy những cánh rừng.

    Hagar in the Wilderness 1835 (metmuseum)


xét hệ quy chiếu, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca 

với tiểu thuyết, độ dài hơi, đều tay, giữ nhịp 

với truyện ngắn, cô đọng, súc tích, hàm súc, rõ ràng

với thơ ca, dẫn lối, nhịp nhàng, hài hòa, hòa quyện

một lỗ nhỏ nhìn ngắm, vuốt ve, mân mê cấu trúc và ngôn từ
thật là e sợ khi dùng những câu chữ, cảm tưởng không chắc chắn là đúng hay sai, cảm tưởng chỉ sơ sảy chút thôi là mất hết. kì lạ thay là từ ngữ không còn mấy nữa, cạn dần và rồi tan biến. 



 

Vì sao tôi viết

  Cuộc sống mà con người tự đặt ra có nhiều dạng quy tắc khác nhau, ở trong viết, tự nó tạo ra những điều tương tự như vậy, nên tôi đi theo....