Xin phép được trình bày rằngng, tôi chỉ là một người mới tập tễnh vào con đường uống trà và sống ở miền Tây Nam bộ, nên trải nghiệm này hoàn toàn xuất phát tự nhiên và không khua khuấy gì thêm. Nếu có gì khác biệt mong mọi người thông cảm và lượng thứ.
1. Ngày còn bé gia đình tôi sống phía sau cơ quan làm việc của cha. Nghĩa là chỉ cần bước qua cánh cửa sẽ đến phòng tiếp dân hay phòng họp. Phòng này luôn có một cái bàn hình bầu dục, ở giữa đặt bình hoa, và có chiếc mâm đặt ấm tách cùng một hộp trà, thêm cả một cái bình thủy đặt dưới gầm bàn. Mỗi buổi sáng cha tôi sẽ nấu nước sôi đổ vào bình thủy, cho trà vào ấm sẵn, đến khi nào có nhân viên khác đến mới châm nước vào ấm. Tôi thường thấy hình ảnh các chú ngồi quanh bàn và nhấm nháp tách trà buổi sớm.
Đó là những khái niệm đơn sơ ban đầu của tôi về việc uống trà. Chỉ cần nước sôi và hộp trà.
2. Mỗi lần nhà cúng gì cũng có ba thức nước, nước trà, nước lọc và rượu. Tôi không biết vì sao, nhưng luôn được “phái” đi mua vài nghìn rượu trắng, rót nước lọc và pha ấm trà, mỗi thứ rót vào một li nhỏ, đặt giữa là lon gạo đã đông đầy, dùng cắm nhang. Sau khi cúng xong thì đem đổ các thứ nước ra sân, hoặc vào gốc cây.
Đây là khái niệm thứ hai của tôi về trà, để cúng.
3. Vào dịp trăng tròn tháng 8 hằng năm, tôi có sở thích cùng bạn bè ăn bánh trung thu và uống nước trà. Tụ tập nhà đứa nào đó, bày bàn ra, cắt một chiếc bánh trung thu vừa phải, châm bình trà, để sẵn bình thủy kế bên. Vừa tám chuyện rước đèn năm nay thế nào, vừa ăn bánh và uống nước trà. Gọi là nước trà vì ấm hết thì châm nước vào uống tiếp, chủ yếu là không khí vui vẻ chứ không câu nệ gì mấy. Trừ phi nhạt quá thì thêm trà hoặc đắng quá sẽ rót nhanh hơn. Ngoài dịp tự tổ chức này ra, tôi cũng hay đi ăn đám cưới nhà này nhà nọ, trước khi vào mâm chính, cũng được mời ăn bánh trái và uống nước trà. Những chỗ này người ta thường pha đậm lắm, mà uống cũng vui vui vì có nhiều bánh ngọt. Cái nghĩa “đậm lắm” là do thói quen các cô chú bác hay dùng, uống vào đăng đắng hoặc màu như “đen”. Tôi thì “nước trà” kiểu nào cũng uống được, cười xớ lớ uống tất. Chỉ trừ trà nguội ngắt thì tôi thường dồn lại một li nhỏ và đổ ở gốc cây.
Nhờ các dịp khác nhau nên có thể thưởng thức đa dạng cách uống trà, tôi thấy những điều này thật phong phú và đa dạng, làm đời sống văn hóa tinh thần càng thêm phần sống động.
4. Mãi sau này có dịp ra Bắc ra Trung chơi, tôi mới biết đến chè xanh và cách uống độc đáo của người dân nơi đây. Tôi khoái nhất là chè xanh vò, uống ở Quảng Trị. Cảm tưởng như một món quà tinh khôi, thanh sạch nhất từ trước đến giờ từng được thưởng thức. Mà họ uống cũng đơn giản lắm. Tôi đến nhà bạn chơi, xung quanh nhà trồng mấy cây chè cao hơn đầu người. Ba mẹ bạn hái sẵn lá chè từ mấy cây đó và để trong bình, có ai đến, ngồi vào bàn là rót ra cái li cao vừa phải, mời uống. Trước giờ tôi chỉ biết mỗi trà trong hộp, khô, xoắn, gần như đen, còn lá này thì tươi nguyên, uống vào thấy thanh mát, ấm áp và cởi mở cả cõi lòng. Dạo ấy, mỗi sáng thức dậy đều có sẵn bình trà như thế, cứ rót ra là uống, tôi còn rót đầy cả bình nước uống mang theo, để đi chơi có thức ngon mà uống, hê hê.
Một dịp khác tôi uống trà kiểu Bắc, đúng là mở cả mắt ra. Kể từ đây tôi mới biết, tống, quân, nhiệt độ nước và các dụng cụ khác. Theo tôi là kì công mà cũng đáng sức. Tôi thấy lí thú khi được uống trà theo kiểu này, người pha trà và người uống trà đều trân trọng từng thao tác, hớp nước và các chi tiết nhỏ khác.
Mỗi lần trải nghiệm các kiểu thức khác nhau của việc dùng trà đều làm tôi thích thú khôn tả. Đây là chút ít ghi nhận trên hành trình bước vào uống trà của tôi, mong rằng sau này sẽ có thể mở rộng được thêm và chia sẻ cùng mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét